Tham vấn y khoa: Lương Y Ngô Trí Tuệ
Biên tập viên: Hoàng Thị Quyên
Viêm amidan là bệnh gì? Vì sao lại bị viêm amidan? Cách bảo vệ amidan như thế nào? Đây là thắc mắc của rất nhiều người vì viêm amidan là dạng bệnh ở đường hô hấp rất phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về bệnh viêm amidan, giải đáp những thắc mắc trên.
Mục lục
1. Viêm Amidan là bệnh gì?
Amidan là tổ chức lympho nằm ở hai bên thành họng. Amidan đóng vai trò phòng vệ giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh đường hô hấp trên. Amidan giúp bảo vệ đường hô hấp chống lại các tác nhân gây nhiễm khuẩn (vi khuẩn, virus gây bệnh).
Khi amidan bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus thì được gọi là viêm amidan. Bệnh lý này có thể gặp ở bất kỳ ai nhưng thường là ở trẻ từ 3-12 tuổi. Có hai dạng viêm amidan là viêm amidan cấp tính (khởi phát bất ngờ thành nhiều đợt) và viêm amidan mãn tính (các đợt viêm dai dẳng).
2. Triệu chứng nhận biết viêm amidan
Vì bệnh lý này cũng là bệnh lý ở đường hô hấp và amidan nằm gần cổ họng nên nhiều người dễ nhầm sang bệnh viêm họng và viêm thanh quản. Các triệu chứng điển hình của viêm amidan:
- Amidan sưng to, đỏ và đau;
- Amidan nổi mủ trắng hoặc vàng;
- Ho, đau họng;
- Khó khăn hoặc đau khi nuốt; thường xuyên khát nước.
- Sốt cao trên 38 độ C. Sốt có thể kéo dài 3-5 ngày tùy thể trạng mỗi người.
- Hôi miệng;
- Khàn giọng, mất giọng.
Nếu trẻ em bị viêm amidan thì có thể gây ra một số triệu chứng khác như chảy nhiều nước dãi, chán ăn, quấy khóc, mệt mỏi.
Tình trạng viêm amidan của bạn như thế nào? Hãy để lại thông tin để Nhà thuốc tư vấn cụ thể nhé:
3. Virus, vi khuẩn là các tác nhân gây bệnh chính
Sự xâm nhập của virus, vi khuẩn gây ra sự viêm nhiễm, bao gồm:
- Virus: Virus cúm, adenovirus, parainfluenza, enteroviruses, virus herpes simplex,…
- Vi khuẩn: Liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus pyogenes,…). Viêm amidan do vi khuẩn thường nặng và nguy hiểm hơn nên cần điều trị chuyên sâu.
Ngoài tác nhân gây bệnh chính là virus, vi khuẩn, viêm amidan còn có thể xảy ra khi:
- Không vệ sinh răng miệng thường xuyên.
- Thường xuyên tiếp xúc khói bụi ô nhiễm.
- Dùng đồ ăn hoặc đồ uống lạnh,
- Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá.
- Thời tiết thay đổi đột ngột, nóng – lạnh thất thường.
- Tiếp xúc thân mật, dùng chung đồ dùng với người bị viêm đường hô hấp.
- Mắc các bệnh lý về đường hô hấp: viêm họng, ho dai dẳng, cảm lạnh, cảm cúm,….
4. Viêm amidan nguy hiểm như thế nào?
Phần lớn các trường hợp viêm amidan đều nhanh chóng thuyên giảm khi được chăm sóc điều trị. Tuy nhiên nếu viêm amidan không được điều trị kịp thời và đúng cách thì có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm:
- Áp xe quanh amidan: áp xe là một dạng nhiễm trùng nặng, khi có xuất hiện của ổ mủ, gây đau nhức amidan và làm bùng phát các triệu chứng toàn thân. Nếu không xử lý kịp thời, áp xe có thể vỡ gây phù nề thanh quản, áp xe thành họng thậm chí là nhiễm trùng máu gây nguy hiểm tính mạng.
- Viêm mô tế bào amidan: là tình nhiễm trùng sâu ở các mô liên kết của amidan. Tình trạng này xảy ra khi amidan bị nhiễm trùng lâu không được xử lý, tạo điều kiện cho virus hoặc vi khuẩn xâm nhập sâu vào trong các mô.
- Sốt thấp khớp: xảy ra khi vi khuẩn di chuyển đến khớp, tim và các cơ quan khác. Biểu hiện của biến chứng này gồm sốt, da dẻ xanh xao, ăn không ngon, đau nhức khớp, phát ban nhẹ, tim đập nhanh, thở gấp.
- Viêm cầu thận: khi vi khuẩn xâm nhập vào máu, di chuyển đến thận và gây nhiễm trùng mô thận. Biến chứng này diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm, có thể gây tử vong.
5. Các phương pháp điều trị viêm Amidan
Dùng thuốc Tây
Chủ yếu là thuốc giảm đau, thuốc chống viêm giảm phù nề, thuốc kháng sinh chỉ dùng khi có xuất hiện vi khuẩn. Một số loại thuốc thường được sử dụng, bao gồm:
- Thuốc giảm đau và hạ sốt: Thuốc giảm đau và hạ sốt Acetaminophen thường được dùng để cải thiện tình trạng sốt cao và đau nhức do viêm amidan gây ra. Trong trường hợp hạch sưng to, thuốc giảm đau có tác dụng kháng viêm như Ibuprofen hoặc Diclofenac cũng được sử dụng.
- Kháng sinh: Kháng sinh được dùng trong trường hợp viêm amidan do liên cầu khuẩn. Nhóm kháng sinh thường được sử dụng chủ yếu là Penicillin.
- Thuốc chống viêm, giảm phù nề: Giúp cải thiện tình trạng sưng đỏ amidan. Thuốc được sử dụng nhiều là Alpha Choay, nhóm thuốc NSAID,….
Điều trị bằng cách phẫu thuật cắt amidan
Phương pháp này thường được sử dụng khi viêm amidan liên tục tái phát 5-7 đợt trong một năm, amidan phì đại hoặc viêm amidan đã có biến chứng như khó thở, áp xe quanh amidan.
Phẫu thuật amidan là phương thức dùng nhiệt, laser, sóng siêu âm cắt bỏ hoàn toàn amidan ở hai bên thành họng. Sau khi cắt vài ngày đầu, bạn có thể bị đau họng, chảy máu, khó chịu. Nếu được chăm sóc đúng cách thì vết cắt sẽ lành sau khoảng 1-3 tuần.
Tuy nhiên, bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn trực tiếp xem có nên cắt amidan hay không vì cắt amidan vẫn có thể gây ra một vài nguy hiểm như chảy máu kéo dài,…
6. Cách chăm sóc giúp cải thiện viêm amidan
Kết hợp các biện pháp chuyên sâu với chế độ khoa học có thể giúp đẩy nhanh tiến trình hồi phục, giúp kiểm soát, cải thiện các triệu chứng do viêm amidan gây ra. Một số biện pháp chăm sóc giúp cải thiện viêm amidan:
- Uống nhiều nước, nên uống nước ấm để bù lượng nước đã mất, làm ẩm họng, giảm ho và khô họng.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc.
- Súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng 1-2 lần mỗi ngày để sát trùng, sạch họng và ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng.
- Tránh tiếp xúc với hóa chất, phấn hoa, không khí ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc,….
- Nên ăn các món ăn mềm và dễ nuốt như súp, cháo, canh. Hạn chế thức uống lạnh, đồ ăn khô cứng và đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ.
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, vitamin A và khoáng chất nhằm nâng cao sức đề kháng, thể trạng và hỗ trợ ức chế nhiễm trùng ở cơ quan hô hấp.
7. Phòng ngừa viêm amidan
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ 2 lần/ngày. Súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng: tinh bột, chất béo, chất đạm,…vitamin và khoáng chất.
- Bổ sung đủ nước, nên uống nước ấm.
- Hạn chế thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, chiên xào, cay nóng, các thức uống lạnh, các chất kích thích.
- Duy trì lối sống sinh hoạt lành mạnh: nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, thường xuyên tập thể dục, không dùng thuốc lá.
- Giữ ấm cổ khi thời tiết chuyển mùa.
- Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay khi đi ra ngoài.
- Tránh tiếp xúc môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, các chất độc hại.
Hy vọng bài viết này cung cấp những điều cần biết về bệnh viêm amidan để các bạn có thể tự chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.
Bài viết này có hữu ích không?